Hồ Thanh Vỹ cho biết, khi mới tốt nghiệp ra trường, anh có cơ hội được gặp gỡ và giao lưu với các anh chị trong Hiệp hội Các hội khoa học kỹ thuật TP.Đà Nẵng giới thiệu về mô hình trồng nấm. Đây là cơ duyên nuôi dưỡng niềm đam mê trở thành nông dân với kiến thức thu thập từ cuộc sống. “Năm 2015 khi mới về quê, chưa có cơ sở, tôi chỉ liên hệ mua những phôi nấm về nhà tự trồng. Lần đầu tiên thử nghiệm thất bại vì chưa nắm chắc kỹ thuật, tôi tiếp tục thử lần thứ 2, may mà thành công với 1.000 bịch phôi giống không lệch, mừng lắm” - Vỹ nói. Rồi Vỹ quyết định bỏ ra 2 tháng để vào Khu nông nghiệp công nghệ cao ở Củ Chi, TP.Hồ Chí Minh để học tập quy trình sản xuất và trực tiếp thử nghiệm tại đây. Sau đó về lại quê, phối hợp với 2 người bạn cùng lớp thời đại học là Trần Dương Tài và Tạ Quốc Việt quyết tâm trở thành nông dân một cách chuyên nghiệp. Cả ba góp vốn, vay mượn thêm từ gia đình, bạn bè và các kênh vốn thanh niên, nông dân cải tạo khu vườn tạp của gia đình, xây dựng nhà xưởng. Giai đoạn 1, cơ sở rộng 250m2 dùng sản xuất phôi nấm, gồm phân xưởng đóng phôi, phòng cấy, phòng kho, lò hấp, trại ươm và trại chăm sóc phôi nấm.
Ngoài việc trồng nấm, anh Hồ Thanh Vỹ còn tận dụng quỹ đất trong vườn nhà để xây dựng mô hình khép kín vườn - ao - chuồng, nuôi 6 con heo nái và làm ao nuôi 1.500 con cá trê lai, tận dụng nguồn phân làm hầm khí biogas để làm nhiên liệu hấp phôi nấm, vừa làm thức ăn cho cá. Đồng thời tận dụng các nguồn bã nấm, phân hữu cơ từ nấm để trồng rau nuôi heo, vừa đảm bảo khâu vệ sinh lại tiết kiệm chi phí. Riêng từ nguồn bán heo con và cá trê lai, anh Vỹ thu lãi thêm hơn 20 triệu đồng mỗi năm.Hiện tại, trại nấm của anh Hồ Thanh Vỹ sản xuất 2 loại nấm giống chính đó là nấm bào ngư và nấm rơm. Anh Vỹ cho biết: “Quá trình sản xuất ra bịch phôi giống bào ngư và nấm rơm khoảng 25 - 30 ngày và trải qua nhiều công đoạn: chọn mùn cưa, ủ mùn cưa trong vòng 15 ngày. Sau đó, mùn cưa sẽ được trộn và đóng bịch đưa vào lò hấp thanh trùng ở nhiệt độ 1200C trong vòng 8 tiếng. Hoàn thành công việc hấp, bịch phôi nấm sẽ đưa ra ngoài cho nguội và bắt đầu cấy meo giống, quy trình này phải vô trùng hoàn toàn, tránh ảnh hưởng đến chất lượng nấm giống”. Thông thường, mỗi bịch meo giống 1 ký sẽ cấy được khoảng 50 bịch phôi giống, với khối lượng 1,3kg/bịch. Mỗi tháng, cơ sở của Vỹ sản xuất tối đa 10.000 bịch phôi giống để phân phối, cung ứng cho 10 trang trại tại một số địa phương như Thăng bình, Tiên Phước, Hiệp Đức, Quế Sơn, TP.Đà Nẵng. Cơ sở của anh sẽ chịu trách nhiệm hướng dẫn kỹ thuật, xử lý sâu bệnh và bao tiêu sản phẩm theo giá thị trường, nếu chủ trại nấm vệ tinh có nhu cầu.
Tuy mới hoạt động hơn một năm, nhưng hàng tháng trại nấm của anh Vỹ đã có lãi từ 30 triệu đồng đến 40 triệu đồng, dự báo sau khi mở rộng quy mô sản xuất, mức lợi nhuận sẽ tăng cao hơn. Thời điểm hiện nay trại nấm của anh Vỹ tạo việc làm thường xuyên, ổn định cho 6 lao động với mức thu nhập hơn 3 triệu đồng/người/tháng. Hiện trại làm nấm của anh Hồ Thanh Vỹ và 2 người bạn đã được cấp phép thành lập HTX nông nghiệp Thu Bồn. Hợp tác xã sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm và tập huấn quy trình sản xuất và hỗ trợ xây dựng mở rộng mạng lưới các trại vệ tinh sản xuất nấm và bao tiêu sản phẩm, tạo sự yên tâm cho bà con làm nấm để tăng thu nhập. Anh Nguyễn Sơn Tùng - Bí thư Đoàn xã Duy Hòa cho biết: “Mô hình trồng nấm của anh Vỹ rất ấn tượng và triển vọng. Thời gian tới, tôi sẽ tham gia làm đại lý trại vệ tinh cho HTX nông nghiệp Thu Bồn của anh Vỹ và sẽ giới thiệu triển khai tập huấn mô hình để khuyến khích nhiều thanh niên khác trong xã làm theo, góp phần tạo điều kiện để thanh niên trong xã vươn lên trong cuộc sống”.
Tác giả bài viết: Tuyết Mai
Ý kiến bạn đọc